Chủ nghĩa đế quốc tại một số quốc gia Chủ_nghĩa_đế_quốc

Anh

Bài chi tiết: Đế quốc Anh
Hệ quả của Chiến tranh Boer là việc Đế quốc Anh thôn tính hai nước Cộng hòa Boer vào năm 1902

Tham vọng đế quốc của Anh có thể thấy ngay từ thế kỷ XVI. Vào năm 1599 công ty Đông Ấn Anh thành lập và được nữ hoàng Elizabeth trao đặc quyền trong năm tiếp theo.[21] Với sự thành lập của các trạm mậu dịch tại Ấn Độ, người Anh đã có thể duy trì sức mạnh trước các đế quốc khác như Bồ Đào Nha, nước cũng đã thiết lập những trạm mậu dịch tại Ấn Độ từ trước.[21] Vào năm 1767, việc khai thác của công ty Đông Ấn bắt nguồn từ hoạt động chính trị đã gây nên tình trạng bóc lột nền kinh tế địa phương và đẩy công ty này đến bờ vực phá sản.[22] Cho tới năm 1670, Anh đã bộc lộ tham vọng đế quốc lớn lao với các thuộc địa ở Virginia, Bermudas, Honduras, Antigua, Barbados, JamaicaNova Scotia.[22]

Tham vọng đế quốc vô bờ của các nước châu Âu là nguyên nhân dẫn tới những cuộc đụng độ. Anh đã có những sự cạnh tranh với Pháp, ví dụ như trong quá trình thực dân hóa vùng lãnh thổ mà nay được biết tới là Canada. John Cabot đòi vùng Newfoundland cho Anh trong khi người Pháp tạo ra các thuộc địa dọc sông St. Lawrence và tuyên bố đó là "New France" (nước Pháp mới).

Người Anh tiếp tục bành trướng bằng biện pháp thuộc địa hóa các quốc gia như là New Zealand và Australia, đây đều không phải là những vùng đất trống bởi ở đó có những nền văn hóa và cư dân địa phương.[23] Việc sáng lập các quốc gia thịnh vượng chung mà ở đó có sự chia sẻ bản sắc dân tộc đã minh chứng cho các phong trào dân tộc của Anh.[24]

Khói phát ra từ những thùng dầu cháy bên kênh đào Suez trong cuộc tấn công của Anh và Pháp nhằm vào Ai Cập, 5 tháng 11 năm 1956

Đế quốc Anh thứ nhất có nền tảng là chủ nghĩa trọng thương, các thuộc địa liên quan và đất đai chủ yếu ở Bắc Mỹ, vùng Caribe, và Ấn Độ. Sau khi đánh mất các thuộc địa ở Mỹ vào năm 1776, quá trình phát triển của Anh bị đảo lộn. Họ kiếm lại các khoản bù đắp từ Ấn Độ, Australia; và Mỹ Latinh nhờ việc thiết lập một đế quốc kinh tế không chính thức thông qua kiểm soát thương mại và tài chính sau khi các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trở nên độc lập vào khoảng năm 1820.[25] Tới thập niên 1840, Anh đã cho thông qua chính sách thương mại tự do rất thành công giúp họ thống lĩnh trong hoạt động thương mại của hầu khắp thế giới.[26] Sau khi để mất Đế quốc thứ nhất, người Anh đã chuyển sự chú ý sang châu Á, châu Phi, và Thái Bình Dương. Sau thất bại của Pháp vào năm 1815, nước Anh đã được tận hưởng một thế kỷ thống trị và mở rộng các vùng đất trên toàn cầu mà gần như không gặp phải thách thức. Tinh thần đế quốc chủ nghĩa của Anh được biểu hiện bởi Joseph Chamberlain, Lord Rosebury, và được Cecil Rhodes thực thi tại châu Phi. Mức độ tự trị của những thuộc địa có người da trắng tới định cư tăng lên trong thế kỷ XX.[27]

Vào giai đoạn đỉnh cao của nó, đây là đế quốc lớn nhất trong lịch sử và là cường quốc hàng đầu thế giới trong hơn một thế kỷ. Đến năm 1913, Đế quốc Anh cai trị khoảng 412.224.526 triệu người, chiếm 23% dân số thế giới lúc đó và bao phủ diện tích hơn 35.500.000 km², gần một phần tư tổng diện tích toàn cầu Do vậy, những di sản về văn hóa, ngôn ngữ, luật pháp của Đế quốc Anh được truyền bá rộng rãi. Vào thời điểm nó đạt tới đỉnh cao của quyền lực, Đế quốc Anh thường được ví với câu nói "đế quốc mặt trời không bao giờ lặn" bởi vì sự mở rộng cương thổ ra toàn địa cầu đồng nghĩa với việc mặt trời luôn chiếu sáng trên ít nhất một trong những vùng lãnh thổ của nó.

Pháp

Bích chương của Pháp về "chiến tranh Madagascar"

"Đế quốc thực dân Pháp thứ nhất" tồn tại đến năm 1814, còn "Đế quốc thực dân thứ hai" khởi đầu với cuộc chinh phạt Algiers vào năm 1830 và kết thúc vào năm 1962 khi Algeri giành độc lập.[28] Lịch sử nước Pháp ghi dấu với nhiều trận chiến lớn và nhỏ, cùng sự trợ giúp lớn lao mà các thuộc địa mang lại cho Pháp trong hai cuộc chiến tranh thế giới.[29]

Vào thế kỷ XVI, hoạt động thuộc địa hóa châu Mỹ của Pháp khởi đầu với sự thành lập của nước Pháp mới. Kế đến là việc nước này thiết lập các trạm mậu dịch ở châu Á và châu Phi trong thế kỷ XVII.

Đến thế kỷ XIX và XX, Pháp đã là đế quốc thực dân lớn thứ hai trên thế giới sau Đế quốc Anh. Tại thời điểm đỉnh cao trong các thập niên 1920 và 1930, diện tích của đế quốc là hơn 4.767.000 dặm2 (12.347.000 km2). Trước thế chiến thứ hai, Pháp kiểm soát gần 1/10 diện tích đất trên Trái Đất cùng 110 triệu cư dân (chiếm 5% dân số thế giới tại thời điểm đó).[30]

Pháp nắm quyền quản lý Algeri từ năm 1830 và bắt đầu tái thiết đế quốc toàn cầu của mình một cách nghiêm chỉnh kể từ sau năm 1850, tập trung chủ yếu ở Bắc Phi, Tây Phi, Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Những người cộng hòa ban đầu thù địch với đế quốc, họ chỉ trở nên ủng hộ khi Đức cũng bắt đầu xây dựng đế quốc thực dân của nước này. Khi đã phát triển, đế quốc mới nắm vai trò giao thương, cung ứng nguyên liệu thô, mua các mặt hàng được sản xuất, và cho vay uy tín với mẫu quốc, cũng như truyền bá nền văn minh, ngôn ngữ, và Công giáo. Đế quốc Pháp là nguồn cung nhân lực cốt yếu trong hai cuộc chiến tranh thế giới.[31]

Người Pháp mang tới Kitô giáo và văn hóa Pháp kèm lý lẽ bào chữa về mặt đạo đức đó là nâng tầm thế giới tới trình độ của Pháp. Vào năm 1884 Jules Ferry, người đi đầu dẫn giải về chủ nghĩa thực dân, tuyên bố nước Pháp có sứ mệnh khai hóa: "Những chủng tộc cao cấp có quyền đứng trên những chủng tộc thấp kém hơn, họ có nhiệm vụ khai hóa cho những thành phần thấp kém".[32] Các quyền công dân đầy đủ – ‘’sự đồng hóa’’ – được đem ra, dù trên thực tế đồng hóa luôn luôn là một chân trời xa xôi.[33] Trái ngược với Anh, Pháp chỉ gửi một số lượng nhỏ người di cư tới các thuộc địa, ngoại lệ đáng chú ý duy nhất là Algeri, nơi luôn duy trì một cộng đồng thiểu số người Pháp di cư.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Charles de Gaulle và những người Pháp Tự do đã sử dụng các thuộc địa hải ngoại làm căn cứ để từ đó họ chiến đấu vì độc lập của nước Pháp. Tuy nhiên kể từ sau năm 1945 đế quốc bắt đầu bị đe dọa bởi các phong trào chống thực dân. Pháp đã chiến đấu và thất bại trong một cuộc chiến tại Việt Nam vào thập niên 1950, nhưng họ lại thắng cuộc chiến ở Algeri. Dẫu sao, Charles de Gaulle, nhà lãnh đạo Pháp thời điểm đó, đã quyết định trao độc lập cho Algeria vào năm 1962. Những người Pháp di cư và nhiều người ủng hộ tại Algeri đã di dời đến Pháp. Cho đến thập niên 1960, gần như toàn bộ các thuộc địa của Pháp đã giành độc lập, tuy nhiên quốc gia này vẫn giữ được tầm ảnh hưởng ngoại giao và tài chính lớn. Họ đã nhiều lần gửi quân đội tới hỗ trợ các thuộc địa cũ của mình trước đây ở châu Phi để đàn áp các cuộc nổi dậy và đảo chính.[34]

Đức

Từ quê nhà Scandinavi và Bắc Âu, các bộ lạc Đức đã mở rộng tới khắp vùng Bắc và Tây Âu trong giai đoạn giữa thời cổ đại, Nam Âu cuối thời cổ đại; và vào năm 800 đế quốc Đức đầu tiên, Đế quốc La Mã thần thánh hình thành. Tuy nhiên, đế quốc kế tục của người Đức này không có tính tiếp nối hệ thống từ Đế quốc Tây La Mã và nó hay được mô tả là "không thần thánh, không La Mã, và chẳng phải một đế quốc"[35] bởi một số lượng lớn các nước nhỏ và các công quốc tồn tại trong một liên minh tự trị lỏng lẻo. Mặc dù đến năm 1000 người Đức đã hoàn thành công cuộc chinh phạt Trung tâm, Tây và Nam Âu, chỉ ngoại trừ Iberi của người Hồi giáo; ít có sự hội nhập văn hóa hay bản sắc dân tộc, và "nước Đức" đa phần vẫn là một thuật ngữ về khái niệm đề cập tới một vùng đất vô định hình ở Trung tâm châu Âu.

Đế quốc thực dân Đức.

Không là một cường quốc biển, chẳng phải một quốc gia dân tộc, Đức ít gia nhập xu hướng chủ nghĩa đế quốc phương Tây cho tới cuối thế kỷ XIX. Sau thất bại của Napoleon, người là nguyên nhân khiến Đế quốc La Mã thần thánh tan rã, Phổ và các nhà nước Đức tiếp tục lánh xa chủ nghĩa đế quốc, họ muốn vận dụng hệ thống châu Âu thông qua hội nghị hệ thống (hòa hợp [quyền lực] châu Âu). Chiến tranh Pháp-Đức kết thúc, Phổ hợp nhất các quốc gia khác tạo thành Đế quốc Đức thứ hai; thủ tướng Otto von Bismarck, người phản đối chính sách thu thập thuộc địa từ lâu, biện luận rằng gánh nặng đến từ việc giành lấy, duy trì và bảo vệ những lãnh thổ như vậy là lớn hơn bất kỳ lợi ích tiềm năng nào. Ông cảm thấy rằng các thuộc địa không giúp bù đắp lại chi phí tương xứng cho việc có được nó, rằng hệ thống quan liêu của Đức sẽ không xử lý tốt và những tranh chấp về thuộc địa sẽ làm nước Đức xao lãng đi lợi ích trung tâm của mình là châu Âu.[36]

Tuy vậy, Đức đã bắt đầu xây dựng một đế quốc thực dân ở châu Phi và Nam Thái Bình Dương vào năm 1883-1884. Các nhà sử học đã tranh luận về lý do chính xác tại sao Đức lại thực hiện bước đi đột ngột và ngắn ngủi này.[37] Bismarck nhận thức rằng dư luận đã bắt đầu yêu cầu vấn đề thuộc địa vì thanh thế của người Đức.[38] Đế quốc thực dân Đức được thành lập một cách êm thuận, khởi đầu với New Guinea thuộc Đức vào năm 1884.[39]

Các thuộc địa của Đức bao gồm các lãnh thổ hiện nay ở Châu Phi: Tanzania, Rwanda, Burundi, Namibia, Cameroon, GhanaTogo; ở Châu Đại Dương: New Guinea, Quần đảo Solomon, Nauru, Quần đảo Marshall, Quần đảo Mariana, Quần đảo CarolineSamoa; và ở Châu Á: Thanh Đảo, Chefoovịnh Jiaozhou.

Theo Hiệp ước Versailles, tất cả các thuộc địa của Đức đã bị mất sau Thế chiến I.

Nhật Bản

Binh lính Nhật hành quân tiến vào Cổng Tiền, Bắc Kinh, sau khi đã chiếm được thành phố, tháng 7 năm 1937.

Vào năm 1894, Nhật Bản sáp nhập Đài Loan trong chiến tranh Thanh-Nhật. Sau chiến tranh Nga-Nhật năm 1905, Nhật Bản chiếm lấy một phần đảo Sakhalin từ tay Nga. Vào năm 1910, Nhật thôn tính Hàn Quốc. Tới thế chiến thứ nhất, Nhật đã chiếm các lãnh thổ mà Đức thuê tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc; cũng như các quần đảo Mariana, CarolineMarshall. Trong năm 1918 Nhật chiếm đóng một phần Viễn Đông Nga và Đông Siberi với tư cách là một thành viên tham gia vào cuộc can thiệp Siberi. Vào năm 1931, Nhật Bản chinh phạt vùng Mãn Châu của Trung Quốc. Trong chiến tranh Trung-Nhật năm 1937, quân đội Nhật đã xâm lăng vùng Hoa Trung; và tới thời điểm đỉnh cao trong chiến tranh Thái Bình Dương, Nhật đã chinh phạt hầu khắp Viễn Đông, bao gồm Hồng Kông, Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Philippines, Indonesia, Singapore, một phần New Guinea và nhiều hòn đảo ở Thái Bình Dương. Nhật bản cũng đã xâm lược Thái Lan gây áp lực buộc nước này gia nhập liên minh Thái-Nhật. Cuối cùng, tham vọng thuộc địa của Nhật chấm dứt sau thất bại của họ trong chiến tranh thế giới thứ hai. Các vùng lãnh thổ từng là thuộc địa của Nhật trước đây được duy trì đặt dưới sự quản lý của Mỹ hoặc chủ sở hữu ban đầu của chúng theo những hiệp ước sau chiến tranh.[40][41][42]

Nga

Bài chi tiết: Đế quốc Nga

Vào thế kỷ 17-18, đế chế Nga đã mở rộng tầm kiểm soát sang khu vực Thái Bình Dương, đẩy biên giới của nó đến sát với Đế quốc Thanh. Điều này đã xảy ra sau một số lượng lớn các cuộc xâm lược những vùng đất phía đông, phía tây, và phía nam của các triều đại Sa hoàng. Chiến tranh Ba Lan-Nga năm 1792 đã dẫn đến việc Ba Lan bị 3 cường quốc Áo - Phổ - Nga phân chia, miền đông Ba Lan bị cai trị bởi Nga như một thuộc địa cho đến tận năm 1918. Các chiến dịch phía Nam liên quan đến một loạt các cuộc Chiến tranh giữa Nga và Ba Tư, bắt đầu với Cuộc viễn chinh Ba Tư năm 1796, dẫn đến việc Nga mua lại Gruzia và dựng lên ở đây một chế độ bảo hộ. Từ năm 1800 đến năm 1864, quân đội Hoàng gia Nga bành trướng về phía Nam trong các cuộc chiến ở vùng Kavkaz với Đế quốc Ottoman, Chiến tranh Murid, và Chiến tranh với người Circassian. Cuộc xung đột với người Circassian đã trục xuất dân tộc này khỏi vùng đất quê hương của họ. Cuộc chinh phục Siberia của Nga đã diễn ra vào thế kỷ 16 và 17, dẫn đến việc tiêu diệt hoặc đồng hóa vô số các bộ lạc bản địa khác nhau của người Nga, bao gồm các bộ lạc của người Daur, Koryaks, Itelmens, MansiChukchi. Quá trình thuộc địa hóa của Nga ở Trung và Đông Âu cũng như Siberia và việc tiêu diệt những cư dân bản địa đã được so sánh với mức độ tàn bạo mà thực dân châu Âu (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha) đã tiến hành trong công cuộc thuộc địa hóa châu Mỹ, đã gây nên những tác động tiêu cực đối với người Siberi bản địa không khác những người da đỏ bản địa ở châu Mỹ. Việc đồng hóa các bộ tộc bản địa ở Siberi đã được tiến hành triệt để đến mức ngày nay các bộ tộc này chỉ có khoảng 180.000 người.

Hoa Kỳ

Là quốc gia đầu tiên lật đổ được ách cai trị thực dân để giành độc lập, do đó kể từ khi ra đời, Hoa Kỳ đã luôn phản đối chủ nghĩa đế quốc. Điều này đã thay đổi vào cuối thế kỷ 19 khi Mỹ dần mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực Mỹ Latinh, cũng như xâm lược PhilippinesCuba. Vào đầu Chiến tranh thế giới II, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã phản đối chủ nghĩa thực dân châu Âu, đặc biệt ông lên án ách cai trị của Anh ở Ấn Độ. Roosevelt cũng bày tỏ mong muốn rằng Liên Hiệp Quốc sẽ giúp đỡ các dân tộc thuộc địa được giải phóng[43]. Tuy nhiên, những tổng thống kế nhiệm đã không tiếp tục thực hiện chính sách của Franklin D. Roosevelt.

Kể từ sau Thế chiến thứ hai, các đời Tổng thống Mỹ đã nhiều lần can thiệp vào nội bộ các quốc gia khác, thậm chí dùng quân đội để tấn công nước khác. Kể từ năm 1946 đến 2015, quân đội Hoa Kỳ đã trực tiếp tấn công 9 quốc gia (Triều Tiên, Việt Nam, Campuchia, Grenada, Afghanistan, Iraq, Nam Tư, Panama, Cuba), các cuộc chiến này gây ra cái chết của 10 tới 15 triệu người. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng gây ra đảo chính hoặc ngầm can dự vào xung đột tại 28 quốc gia khác, gây ra cái chết của 9 tới 14 triệu người. Tổng cộng Hoa Kỳ đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cái chết của khoảng 20 đến 30 triệu người trong các cuộc chiến tranh và xung đột rải rác trên khắp thế giới kể từ năm 1946 đến 2015[44].

Afghanistan

Trong những năm 1980, những cải cách của chính phủ xã hội chủ nghĩa Afghanistan nhằm nâng cao giáo dục và tăng quyền tự do cho phụ nữ được tiến hành một cách thô bạo và vụng về đã làm cho các bộ tộc địa phương ở Afghanistan phản đối mãnh liệt và xem đó là hành động tấn công Đạo Hồi. Mỹ đã cung cấp tài chính, huấn luyện và vũ trang cho lực lượng quân sự của phe đối lập để lật đổ nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Afghanistan (được Liên Xô hậu thuẫn) đang cầm quyền. Sau khi Mikhail Gorbachev rút quân đội Liên Xô khỏi Afghanistan vào năm 1989, cuộc nội chiến tiếp tục ở Afghanistan cho tới năm 1992 khi chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Afghanistan sụp đổ. Những thủ lĩnh quân sự được Mỹ chống lưng đã chia quốc gia thành nhiều mảnh và gia tăng sản lượng thuốc phiện từ 2.000 tấn lên 3.400 tấn mỗi năm.

Năm 1995, lực lượng Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan, đã nhận được sự giúp đỡ của các lực lượng phiến quân Hồi giáo cực đoan như al-Qaeda. Chế độ Taliban cũng như đồng minh của họ tuyên bố chống lại Mỹ và Phương Tây, đồng thời thực hiện chính sách cai trị hà khắc và đàn áp phụ nữ ở trong nước. Sau vụ khủng bố tại Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001 mà al-Qaeda chịu trách nhiệm, Mỹ đã xâm chiếm Afghanistan với lý do là "tiêu diệt những kẻ khủng bố al-Qaeda, lật đổ chế độ Taliban, và lập nên một nhà nước dân chủ". Việc Mỹ can thiệp quân sự vào Afghanistan trên danh nghĩa tiến hành cuộc Chiến tranh chống khủng bố, mặc dù nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có cả NgaTrung Quốc, vẫn bị một số người lên án và coi là hành vi của chủ nghĩa đế quốc.

Sau khi Hoa Kỳ tấn công Afghanistan và dựng lên chế độ thân Mỹ tại đây, quốc gia này vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Tuy đất nước tiếp tục được khôi phục và tái xây dựng, cuộc đấu tranh chống sự nghèo đói, cơ sở hạ tầng lạc hậu, số lượng mìn dày đặc và nhiều loại vũ khí chưa nổ khác, cũng như việc trồng cấy và buôn bán bất hợp pháp thuốc phiện đang là vấn đề nghiêm trọng. Afghanistan tiếp tục phải đối phó với cuộc nổi loạn của Taliban, những mối đe doạ tấn công từ một số thành viên al Qaeda còn sót lại, và sự bất ổn, đặc biệt tại miền bắc, đã gây ra tình trạng các lãnh chúa bán độc lập.

Trong 3 năm đầu tiên, Afghanistan đã đạt được mức hồi phục và tăng trưởng kinh tế cao. Giá trị GDP thực, không tính thuốc phiện, đã tăng 29% năm 2002, 16% năm 2003, 8% năm 2004 và 14% năm 2005.[45]. Tuy nhiên, tăng trưởng sau đó trở nên bấp bênh, không ổn định, có năm còn bị giảm[46] Theo thống kê của Quỹ tiền tệ thế giới, GDP bình quân đầu người năm 2016 của nước này chỉ đạt 572 USD/người, đứng thứ 176/186 thế giới[47]

Sản xuất thuốc phiện tăng mạnh, chiếm một phần ba tới hai phần ba GDP quốc gia. Chính quyền Taliban giảm được 95% sản lượng thuốc phiện trong khoảng thời gian 1999-2001, nhưng sau sự sụp đổ của Taliban vào năm 2001, quyền lực của các thủ lĩnh quân sự và trùm ma túy đã quay trở lại. Người anh em của tổng thống Karzai, Ahmed Wali Karzai, là trùm ma túy được CIA hậu thuẫn. Sau cuộc tấn công lớn của Mỹ vào tỉnh Kandahar năm 2011, đại tá Abdul Razziq được phong chức cảnh sát trưởng tỉnh này, việc gia tăng các hoạt động buôn lậu heroin đã đem lại cho ông ta 60 triệu USD mỗi năm.[48] Năm 2010, Afghanistan đứng thứ 175/177 trên thế giới về nạn tham nhũng, 175/186 về chỉ số phát triển con người, và từ năm 2004 tại đây sản xuất 5.300 tấn thuốc phiện mỗi năm.

Một cuộc khảo sát được tiến hành với hơn 2.000 người dân Afghanistan sống tại các vùng do chính phủ Afghanistan kiểm soát vào năm 2015 cho thấy: 77% người người được hỏi ủng hộ sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại nước này; 67% ủng hộ sự hiện diện của lực lượng các nước NATO. Mặc dù đất nước còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, 80% người được hỏi cho rằng việc Mỹ đem quân vào Afghanistan và lật đổ Taliban năm 2001 là một điều tốt. 53% người được hỏi đổ lỗi cho Taliban hoặc al-Qaeda đã gây nên tình trạng hỗn loạn và bạo lực của đất nước hiện nay trong khi chỉ có 12% đổ lỗi cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, 53% người được hỏi cho rằng các cuộc bầu cử ở Afghanistan hiện nay chỉ là trò gian lận, trong khi chỉ 44% tin rằng bầu cử diễn ra công bằng[49].

Bất chấp quân đội của Mỹ và NATO đã đóng quân ở Afghanistan hơn 15 năm nay, Taliban vẫn tiếp tục hiện diện. Taliban nhận được nhiều sự ủng hộ từ người dân ở các bộ tộc, ví dụ như bộ tộc Noorzai ủng hộ Taliban 100%, họ đã quyên góp tiền để Taliban tiếp tục chiến đấu[50]. Ngoài ra, chính phủ Afghanistan cũng cáo buộc Nga đã cung cấp vũ khí cho quân Taliban để tổ chức này hoạt động trên khắp Afghanistan[51], phía Nga phủ nhận và gọi đó là những cáo buộc vô căn cứ nhằm đổ lỗi cho sự thất bại trong việc triệt hạ Taliban[52]. Sức mạnh, động lực, khả năng tài chính và chiến thuật của Taliban được cải thiện trên nhiều mặt. Theo ước tính của Lầu Năm Góc, khoảng 56% lãnh thổ của Afghanistan nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ. Theo một cuộc thăm dò của đài BBC, khoảng 70% diện tích lãnh thổ Afghanistan hiện đang có hoạt động của Taliban, trong đó 4% do Taliban kiểm soát hoàn toàn và 66% lãnh thổ do quân chính phủ kiểm soát nhưng vẫn có sự xuất hiện của phiến quân Taliban. Chính phủ Afghanistan (thân Mỹ) báo cáo rằng họ kiểm soát phần lớn các khu vực, nhưng các cuộc tấn công gần đây của Taliban và các nhóm dân quân Hồi giáo đã vươn tới một số khu vực ở thủ đô Kabul và các vùng lân cận.[53]

Ngoài ra, tình trạng tham nhũng, quản lý kém của Chính phủ Afghanistan cũng gián tiếp làm Taliban mạnh lên. Cảnh sát chính phủ ở nhiều nơi không được trả đủ lương, do đó họ không có tiền để nuôi gia đình. Nhiều người nói rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bán vũ khí, đạn dược được chính phủ trang bị cho chính họ, người mua thường là dân địa phương, song đôi khi là chiến binh Taliban. Thậm chí một số người còn đào ngũ để gia nhập quân nổi dậy Taliban[54]

Brasil

Năm 1964, tướng Castelo Branco làm đảo chính lập lên chính quyền độc tài quân sự kéo dài suốt 20 năm. CIA đã cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết để đảm bảo vụ đảo chính thành công, bao gồm tài trợ cho các nhóm sinh viên và lao động đối lập trong biểu tình đường phố, giống như ở UkrainaVenezuela sau này. Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đã chờ sẵn để đổ bộ vào Sao Paolo trong trường hợp cần thiết. Giống như các nạn nhân khác trong những cuộc đảo chính được Mỹ hậu thuẫn ở châu Mỹ Latin, tổng thống dân cử Joao Goulart là một chủ đất giàu có, không phải là đảng viên cộng sản, nhưng nỗ lực của ông ta nhằm duy trì vị thế trung lập trong chiến tranh lạnh là không thể chấp nhận được đối với Hoa Kỳ. Nền kinh tế của Brazil dưới thời Goulart đang đứng bên bờ vực khủng hoảng. Trong 20 năm chính phủ quân sự thân Mỹ nắm quyền, kinh tế Brazil đã đạt được mức tăng trưởng thần kỳ (có những giai đoạn lên tới 10% mỗi năm), nhiều người đã gọi sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Brazil thời kỳ này là Phép màu Brazil (milagre econômico brasileiro) [55][56]

Chile

Khi Salvador Allende, một người có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, trở thành tổng thống vào năm 1970, tổng thống Nixon đã ra lệnh cho CIA lên kế hoạch lật đổ Allende. Để đáp trả lại việc Allende quốc hữu hóa các mỏ đồng và các nhà máy của Mỹ, chính phủ Mỹ đã cắt giảm buôn bán với Chile tạo ra tình trạng khan hiếm và hỗn loạn kinh tế tại quốc gia này (Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Chile khi đó). Allende chủ trương "đoàn kết quốc tế" về mặt ngoại giao, quốc hữu hóa nhiều doanh nghiệp, nhất là các mỏ đồng đỏ, và cải tổ kinh tế, hạn chế thành phần tư hữu cùng nhiều cải cách thiên tả khiến kinh tế Chile lâm vào tình trạng khủng hoảng. Đối diện với hiện cảnh vốn đầu tư giảm sút, thất nghiệp tăng, sản xuất sụt, chính phủ Allende đưa ra biện pháp kiểm soát giá cả, tăng lương và tiến hành cải cách điền địa nhưng do lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ (nhằm đáp trả việc chính phủ Chile quốc hữu hóa nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ tại quốc gia này), nền kinh tế Chile đã bị suy thoái và tê liệt. Lạm phát phi mã đưa đến nhiều cuộc đình công của công nhân, giáo chức, sinh viên và thương gia chống lại chính phủ Allende. CIA và bộ ngoại giao Mỹ cũng đã thực hiện chiến dịch tuyên truyền chống lại Allende ở Chile trong suốt một thập kỷ, tài trợ cho các chính khách bảo thủ, các đảng phái, các công đoàn, các nhóm sinh viên và tất cả các dạng truyền thông, trong khi mở rộng mối quan hệ với quân đội. Nền kinh tế của Chile dưới thời Allende ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Cuối cùng ông ta bị lật đổ bởi cuộc đảo chính quân sự do Augusto Pinochet cầm đầu. Nhiều cáo buộc cho rằng tình báo Mỹ đứng sau cuộc đảo chính.

Sau khi tướng Pinochet lên nắm quyền, CIA tiếp tục trả lương cho các sĩ quan người Chile và hợp tác chặt chẽ với cơ quan tình báo Chile (DINA) trong việc chính phủ quân sự giết hại hàng ngàn người và bỏ tù cũng như tra tấn hàng chục ngàn người khác trong suốt 16 năm của chế độ độc tài quân sự Pinochet. Mỹ cũng ủng hộ chiến dịch truy quét những người cộng sản của Pinochet (Chiến dịch Kền kền khoang). Sau khi lên nắm quyền, Pinochet đã đàn áp những người cánh tả, xã hội chủ nghĩa và các nhà phê bình chính trị, dẫn đến việc xử tử từ 1.200 đến 3.200 người,[57] bắt giam 80.000 người và tra tấn hàng chục ngàn người.[58][59][60] Theo chính phủ Chile, số vụ hành quyết và mất tích cưỡng bức là 3.095 người.[61]

Dư luận và truyền thông chủ lưu ở Chile ngày nay chỉ trích Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Pinochet lên nắm quyền và thực thi chính sách độc tài, đồng thời cáo buộc hành động can thiệp của Hoa Kỳ vào Chile là một biểu hiện đế quốc. Tuy vậy Chile đã có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong những năm Pinochet cầm quyền do áp dụng chính sách của Milton Friedman, khiến một số người đã ca tụng đó là "Phép màu Chile".[62][63]. Những chính sách này tạo ra tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng một số người cho rằng sự bất bình đẳng kinh tế đã gia tăng đáng kể và gán cho những tác hại của cuộc khủng hoảng tiền tệ 1982 của kinh tế Chile đối với các chính sách này.[64][65] Tài sản của Pinchet đã tăng lên đáng kể trong những năm cầm quyền thông qua hàng chục tài khoản ngân hàng được bí mật nắm giữ ở nước ngoài và một tài sản bất động sản. Sau đó, ông đã bị truy tố vì tham ô, gian lận thuế và vì các khoản hoa hồng có thể đánh vào các giao dịch vũ khí.[66]

Sau khi thôi chức nguyên thủ vào năm 1990, Pinochet tiếp tục đóng vai trò là Tổng chỉ huy của quân đội Chile cho đến ngày 10/3/1998, khi ông nghỉ hưu và trở thành một thượng nghị sĩ suốt đời và được miễn trách nhiệm hình sự, phù hợp với Hiến pháp năm 1980 do chính ông tạo ra. Tuy nhiên, Pinochet đã bị bắt giữ bởi áp lực quốc tế vào ngày 10 tháng 10 năm 1998 liên quan đến nhiều vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên do sức khỏe yếu, ông được ra tù và quản thúc tại gia từ năm 2000, và qua đời năm 2004. Khoảng 300 cáo buộc ở Chilê tố cáo Pinochet vi phạm nhân quyền, trốn thuế và tham ô trong thời gian cai trị của ông ta.[67]

Trong hầu hết những năm 1990, Chile là nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở Mỹ Latinh, mặc dù di sản cải cách của Pinochet vẫn tiếp tục gây tranh cãi.[68] Ông cũng bị cáo buộc đã tham nhũng ít nhất 28 triệu đô la Mỹ.[69] Cho đến khi ông chết vào năm 2006, Tổng thống Chile lúc đó là Bachallet tuyên bố rằng bà sẽ không tham dự lễ tang Pinochet.

Nicaragua

Anastasio Somosa là nhà độc tài cai trị Nicargua trong suốt 43 năm với sự hỗ trợ của Mỹ, lực lượng Vệ Binh Quốc gia của ông ta tự do thực hiện các tội ác từ thảm sát, tra tấn tới cướp bóc và cưỡng hiếp. Lực lượng Sandinistas được Liên Xô và Cuba chống lưng đã tiến hành chiến tranh du kích chống lại chính quyền của Somosa. Hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Nicaragua dưới chế độ cai trị của Somosa cũng dần khiến Chính phủ Mỹ không còn ủng hộ ông ta và cắt viện trợ cho chính quyền của ông ta. Kết cục là Somosa bị lật đổ bởi lực lượng Sandinistas vào năm 1979. Somosa về sau cũng bị Tổng thống Mỹ Carter từ chối cho nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Sau khi Mặt trận Sandinista lên năm quyền, Mỹ đã tích cực viện trợ cho chính phủ mới này để tái thiết lại Nicaragua. Tuy vậy viện trợ ngày càng giảm khi người đứng đầu Sandinista và cũng là lãnh đạo Nicaragua lúc đó là Ortega có ý định biến quốc gia này thành một nhà nước cộng sản như Cuba. Đến thời Tổng thống Reagan thì viện trợ đã bị cắt hẳn vì có bằng chứng cho thấy Sandinista ủng hộ những người nổi loạn FMLN tại El Salvador. Mỹ cũng không chấp nhận việc thêm một chính phủ cánh tả nữa tồn tại ở khu vực Mỹ Latinh, do đó Nhà Trắng đã quyết định tài trợ cho phe đối lập với chính phủ Sandinista. CIA đã tuyển dụng, huấn luyện và hỗ trợ cho lực lượng lính đánh thuê Contra xâm lược Nicaragua nhằm lật đổ chính quyền Sandinista gây nên sự chỉ trích ngày càng tăng bên trong Hoa Kỳ, kể cả tại Nghị viện.

Năm 1986 Tòa án Quốc tế đã tuyên bố Mỹ có tội trong việc tấn công Nicaragua vì đã triển khai lực lượng Contra và phá hoại các cảng biển của Nicaragua. Hoa Kỳ từ chối chấp nhận Tòa án và cho rằng họ không có thẩm quyền đối với những việc quan hệ của quốc gia có chủ quyền. Tòa án yêu cầu Mỹ chấm dứt tấn công và bồi thường chiến tranh cho Nicaragua, nhưng người Mỹ không bao giờ thực hiện. Một số người đánh giá hành động của Mỹ là vi phạm chủ quyền của Nicaragua và coi đó là hành vi mang tính chất đế quốc chủ nghĩa.

Cuba

Mỹ đã hỗ trợ cho chế độ độc tài Batista ở Cuba trong thập niên 1950. Với sự giúp đỡ của Mỹ, kinh tế Cuba có sự phát triển khá cao trong giai đoạn này. Cuba là một trong năm nước phát triển nhất trong khu vực Mỹ Latinh lúc đó, tuy nhiên mức bất bình đẳng giàu nghèo là rất cao, với một phần ba dân số vẫn sống trong nghèo khổ (dù tỉ lệ này vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia Mỹ Latinh khác như Chile, Colombia),[70]. Trong những năm 1950, GDP bình quân đâu người của Cuba gần ngang bằng với Ý[71]. Trong giai đoạn lãnh đạo của Batista, việc ở gần với Hoa Kỳ khiến Cuba trở thành điểm đến quen thuộc đối với giới thượng lưu Mỹ, những chuyến viếng thăm để chơi cờ bạc, đua ngựa và chơi gôn của họ khiến Thủ đô Havana của Cuba được mệnh danh là "Las Vegas của Mỹ Latinh", một "sân chơi dành cho giới tinh hoa của thế giới". Tuy vậy vấn đề tham nhũng, bất bình đẳng, tội phạm, cùng những tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, ma túy tràn lan mà không có biện pháp giải quyết đã khiến cho chế độ Batista chịu sự bất bình ngày càng gia tăng của người dân.

Xã hội Cuba thời Batista có sự phân hóa rất rõ rệt. Trong chế độ Batista, nhiều cơ sở dịch vụ thể hiện sự phân biệt chủng tộc khi có 2 khu dành riêng cho người da đen và da trắng (bể bơi, bãi biển, khách sạn, nghĩa địa...)[72]. Vào những năm 1950, 23,6% dân số Cuba mù chữ. Tại các vùng nông thôn, trên 50% dân số không biết đọc biết viết và 61% trẻ em không có cơ hội tới trường. 87% nhà ở đô thị có điện, nhưng tỷ lệ này ở nông thôn chỉ có 10%. Chỉ có 15% nhà ở nông thôn có hệ thống cấp nước[73] Năm 1958, trên 40% người Cuba thất nghiệp[74] Dân cư Cuba có đặc trưng bởi tình trạng thất nghiệp mạn tính và nghèo đói[75]

Các công ty độc quyền của Hoa Kỳ như Bethlehem Steel Corporation và Speyer nắm quyền kiểm soát tài nguyên quốc gia quý giá của Cuba. Các ngân hàng và toàn bộ hệ thống tài chính của Cuba, tất cả sản xuất điện và phần lớn các ngành công nghiệp đã bị chi phối bởi các công ty Mỹ[76] Các công ty độc quyền của Mỹ sở hữu 25% đất đai của Cuba, gồm những khu vực tốt nhất cho sản xuất[77] 90% xuất khẩu đường thô và thuốc lá của nước này được xuất khẩu sang Mỹ. Năm 1956, các công ty của Mỹ "kiểm soát 90% số điện thoại và dịch vụ điện, khoảng 50% dịch vụ đường sắt, và khoảng 40% trong sản xuất đường thô" theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ. Lợi nhuận từ các khoản đầu tư này bị các công ty Mỹ thâu tóm, khiến người dân Cuba rất bất mãn[78].

Cựu đại sứ Mỹ Erl Smith nói tại Quốc hội rằng: "Nước Mỹ có ảnh hưởng rất lớn tại Cuba, đại sứ Mỹ là người quan trọng thứ hai ở Cuba, đôi khi quan trọng hơn cả tổng thống Cuba". Để đối phó lại phong trào chống chính phủ ngày càng rộng lớn cũng như để trấn áp các lực lượng đối lập, chế độ Batista đã thực hiện các hành vi bạo lực, tra tấn và hành quyết trên phạm vi rộng lớn; gây nên cái chết của khoảng 20.000 người[79]. Chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp cho Batista máy bay, tàu, xe tăng và các vũ khí tân tiến nhất, chẳng hạn như bom napalm, mà Batista đã sử dụng để chống lại cuộc nổi dậy của dân chúng. Phải đến tháng 3 năm 1958, khi cảm thấy chiến dịch đàn áp của Batista đã đi quá xa, Mỹ lúc này mới ngừng bán vũ khí cho chính quyền của Batista và không lâu sau đó Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với chính phủ Batista [80]. Tháng 3/1958, chính phủ Mỹ gợi ý Batista tổ chức bầu cử, Batista nghe theo song người dân Cuba đã thể hiện sự bất mãn với chính phủ của ông ta bằng cách tẩy chay bỏ phiếu. Trên 75% cử tri ở Thủ đô Havana đã tẩy chay bầu cử. Tại một số khu vực như Santiago, tỷ lệ tẩy chay lên tới 98%.[72]

Mất đi sự ủng hộ của Mỹ, chế độ Batista đã sụp đổ sau thắng lợi của Cách mạng Cuba do Fidel Castro lãnh đạo.

Khi Castro lên nắm quyền ở Cuba, vào giai đoạn đầu Mỹ đã không tỏ thái độ chống lại ông ta. Tuy nhiên thái độ của Mỹ thay đổi khi Castro đưa một loạt các nhân vật có tư tưởng cánh tả hoặc ủng hộ chủ nghĩa xã hội như Osvaldo Dorticós, Che Guevara lên nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy chính phủ Cuba. Các quan chức cấp cao Mỹ tin rằng Fidel Castro đang muốn biến Cuba thành một nhà nước cộng sản chủ nghĩa và điều này được coi là một mối nguy hại lớn đối với an ninh của nước Mỹ (hòn đảo Cuba chỉ cách lãnh thổ Mỹ vài trăm km). Một số luật mới của Castro cũng khiến Mỹ khó chịu, khi nhiều đất đai vốn do các công ty Mỹ kiểm soát, nay được chính phủ phân chia cho nông dân Cuba. Chính phủ Mỹ phản ứng bằng cách tuyên bố sẽ không cung cấp công nghệ và kỹ thuật viên, đồng thời cắt giảm nhập mía đường của Cuba. Castro từ chối khuất phục Mỹ và thông qua các chính sách còn quyết liệt hơn đối với Mỹ. Vào mùa hè năm 1960, Castro quốc hữu hóa các tài sản của Mỹ trị giá 850 triệu USD, đồng thời đàm phán một thỏa thuận để Liên Xô và các nước Đông Âu mua lượng đường mà Mỹ từ chối nhập khẩu. Để đáp trả, chính phủ Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Cuba, đồng thời gia tăng các hoạt động chống lại chính quyền Castro[72].

Tù binh bị quân đội Cuba bắt giữ trong Sự kiện Vịnh Con Lợn

Trong những năm tiếp theo, CIA tiến hành chiến dịch quy mô chống lại Cuba, đào tạo các phần tử lưu vong người Cuba tại Florida, Trung Mỹ và nước Cộng hòa Dominica để ám sát và lật đổ chính quyền Castro. Theo Đại sứ Anh tại Hoa Kỳ, David Ormsby-Gore, tình báo Anh cho Mỹ biết rằng đa số người dân Cuba ủng hộ Fidel Castro và sẽ khó mà xảy ra hiện tượng đào ngũ hoặc khởi nghĩa hàng loạt nếu Mỹ xâm lược, điều này cũng đã được chuyển tới CIA nhưng Mỹ bỏ qua điều này CIA rất tự tin là họ đủ khả năng lật đổ chính phủ Cuba, vì đã có kinh nghiệm thành công trước đây như Cuộc đảo chính ở Guatemala 1954.

Hàng loạt các chiến dịch chống Cuba được tình báo Mỹ (CIA) hậu thuẫn bao gồm cả Sự kiện Vịnh Con Lợn (Mỹ cho máy bay ném bom Cuba và yểm trợ một đạo quân gồm 1.300 lính Cuba lưu vong đổ bộ lên Vịnh Con Heo nhằm mục đích lật đổ Fidel Castro, giao tranh đã khiến 100 lính Cuba lưu vong, 4 lính Mỹ và hơn 2.000 dân thường Cuba thiệt mạng); nhiều kế hoạch ám sát Fidel Castro và các quan chức khác; vụ đặt bom năm 1960 (3 người Mỹ bị giết và 2 bị bắt) và các vụ đánh bom khủng bố nhằm vào khách du lịch năm 1997; vụ đánh bom tàu của Pháp tại cảng Havana (ít nhất 75 người chết); vụ tấn công sinh học bằng virus bệnh cúm khiến nửa triệu con lợn chết; và vụ đánh bom máy bay Cuba (78 người chết) của Luis Posada CarrilesOrlando Bosch. Hai hung thủ này vẫn tự do tại Mỹ, trong đó Bosch đã được chính tay tổng thống Geogre Bush ký lệnh ân xá.

Ghana

Vào năm 1950 và 1960, đã từng có một tổng thống cánh tả nổi bật ở Ghana: Kwame Nkrumah. Ông là thủ tướng dưới thời người Anh cai trị từ năm 1952 đến 1960, khi Ghana độc lập thì ông trở thành tổng thống. Đó là một người xã hội chủ nghĩa, với tư tưởng chống đế quốc, vào năm 1965 ông viết một cuốn sách lấy tên là "Chủ nghĩa thực dân mới: Giai đoạn cuối cùng của chủ nghĩa đế quốc".

Nkrumah chủ trương thúc đẩy nền văn hóa châu Phi, kêu gọi mở các thư viện quốc tế và nỗ lực hợp tác nghiên cứu về lịch sử và văn hóa. Ông đã tiêu diệt các định kiến về "sự ưu việt tối cao về văn hóa" được áp đặt bởi các sách giáo khoa thời thực dân Anh[81]. Năm 1962, Nkrumah cho khai trương Viện Nghiên cứu Châu Phi.

Một chiến dịch chống hủ tục buộc phụ nữ khoả thân ở phía bắc của đất nước nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Nkrumah, ông cũng cho thành lập Liên đoàn Phụ nữ Ghana, nâng cao chương trình nghị sự của chính phủ về dinh dưỡng, nuôi dạy trẻ em và quần áo[82]. Các luật được thông qua vào năm 1959 và 1960 đã chỉ định các vị trí đặc biệt trong quốc hội do phụ nữ nắm giữ, một số phụ nữ được thăng chức lên lãnh đạo. Phụ nữ được vào các trường đại học nhiều hơn, được tham gia nhiều ngành nghề hơn, bao gồm y học và luật pháp, và cũng được tham gia quân đội và không quân. Một số phụ nữ bình dân nhận được sự hỗ trợ từ Phong trào Hợp tác[83].

Năm 1962, Nkrumah đề ra chính sách phổ cập giáo dục, tất cả trẻ em phải được đi học, cũng như đạt được "một nền tảng đọc viết thường xuyên bằng cả tiếng Anh và tiếng bản xứ"[84]. Năm 1961, Nkrumah cho xây Viện tư tưởng Kwame Nkrumah để đào tạo công chức Ghana cũng như thúc đẩy chủ nghĩa liên Phi[85] Năm 1964, Nkrumah đưa ra Kế hoạch Phát triển Bảy năm để Tái thiết và Phát triển Quốc gia, đã xác định giáo dục là một nguồn phát triển chính và kêu gọi mở rộng các trường kỹ thuật.

Nkrumah đề ra chính sách công nghiệp hóa với mục tiêu phát triển đất nước. Tuy nhiên, việc thực thi kém khiến kế hoạch bị thất bại, đồng thời giá ca cao trên thị trường thế giới sụt giảm đã khiến nền kinh tế Ghana dần rơi vào khủng hoảng. Nợ quốc gia tăng lên tới 1 tỉ USD vào năm 1966. Tuy vậy, một số công trình cũng đem lại lợi ích lâu dài cho đất nước, như là đập sông Volta và bến cảng ở Tema.[86].

Ghana có truyền thống xung đột giữa các bộ tộc, và vấn đề này tiếp diễn trong chính phủ Nkrumah, ông liên tục bị các nhóm đối lập (một số có liên hệ với nước ngoài) có ý định ám sát. Sau vụ ám sát nhắm vào Nkrumah vào tháng 8 năm 1962, 500 chính trị gia đối lập đã bị bắt không qua xét xử với lí do là để "ngăn chặn đảo chính". Trong cuốn sách "Military Rule and the Politics of Demilitarization", tác giả Hutchful cáo buộc rằng Nkrumah đã "thực hiện chính sách cai trị độc tài, đàn áp các nhóm đối lập chính trị trong nước"[87]. Luật sư Ghana- Samuel Adjie Sarfo cho rằng Đạo luật Ngăn chặn (các bất ổn an ninh) cho phép Nkrumah có quyền hành quá lớn, theo đó “Nkrumah đã tạo ra luật của chính mình. Ông ta có thể bỏ tù mười năm bất cứ ai mà không thông qua xét xử. Ông ta có thể bổ nhiệm và sa thải các thẩm phán theo ý muốn. Ông ta đã xóa bỏ một cách triệt để nền dân chủ đa nguyên và biến mình trở thành một tổng thống trọn đời với những quyền hạn không bao giờ bị ngăn cấm để điều hành đất nước như tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân ông ta” [88].

Cuối cùng Nkrumah bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 1966 mà nhiều quan điểm cho rằng tình báo Mỹ (CIA) đã đứng sau hậu thuẫn. CIA đã phủ nhận mọi liên quan nhưng báo chí Anh đưa tin có 40 sĩ quan CIA hoạt động tại đại sứ quán Mỹ đã "cung cấp hào phóng cho các kẻ thù bí mật của tổng thống Nkrumah" và công việc của họ "đã được thưởng công đầy đủ". Cựu sĩ quan CIA John Stockwell tiết lộ thêm về vai trò quyết định của CIA trong vụ đảo chính với cuốn sách "In Search of Enemies". Theo các tài liệu tình báo do Văn phòng sử học Hoa Kỳ công bố sau này, CIA cho rằng "Nkrumah đã làm những việc khiến lợi ích của chúng ta [chính phủ Mỹ] suy yếu nhiều hơn so với bất kỳ người Châu Phi da đen nào khác."[89]

Hiện nay, Nkrumah được nhiều người ghi danh như một anh hùng. Năm 2000, Nkrumah được bình chọn là "Người đàn ông Thiên niên kỷ của châu Phi" bởi những người nghe đài BBC World Service, được BBC mô tả là "Anh hùng giành độc lập dân tộc", và "biểu tượng quốc tế về sự tự do và là lãnh đạo của quốc gia châu Phi da đen đầu tiên từ sau thời thuộc địa"[90] Vào tháng 9 năm 2009, Tổng thống Ghana John Atta Mills tuyên bố ngày 21 tháng 9 năm 2009 (kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Kwame Nkrumah) sẽ trở thành Ngày sáng lập, một ngày lễ theo luật định ở Ghana để kỷ niệm các di sản của Kwame Nkrumah[91]. Người dân Ghana ngày nay có cái nhìn trái chiều về Nkrumah, có những ý kiến cho rằng ông là người hùng dân tộc, có những ý kiến khác lại chỉ trích sự cầm quyền độc đoán của Nkrumah trong những năm làm Tổng thống [92]

Zaire

Patrice Lumumba, chủ tịch đương nhiệm của phong trào Liên Phi Quốc gia Congo, đã tham gia vào quá trình giành độc lập của Congo và trở thành thủ tướng dân cử đầu tiên của Congo năm 1960. Ông ấy bị lật đổ trong cuộc đảo chính được CIA hậu thuẫn của Joseph-Desire Mobutu, vốn là chỉ huy quân đội. Mobutu giao Lumumba cho phe ly khai và lính đánh thuê được Bỉ hậu thuẫn. Lumumba đã chiến đấu ở tỉnh Katanga và bị bắn trong một vụ đọ súng với lính đánh thuê Bỉ.

Mobutu xóa bỏ bầu cử và tự phong mình làm tổng thống năm 1965, cai trị với chế độ độc tài trong suốt 30 năm. Mobutu giết hại các đối thủ chính trị bằng cách treo cổ công khai, tra tấn tới chết và biển thủ khoảng 5 tỷ USD. Nhưng Mỹ tiếp tục ủng hộ Mobutu, ngay cả khi tổng thống Jimmy Carter công khai giữ khoảng cách, Zaire vẫn nhận được 50% tổng số viện trợ quân sự của Mỹ cho khu vực châu Phi cận Sahara. Chỉ cho tới những năm 1990 thì viện trợ của Mỹ mới bắt đầu giảm đi, cho tới khi Mobutu bị Laurent Kabila lật đổ năm 1997 và chết sau đó.

Iran

Năm 1953, CIA và cơ quan tình báo Anh MI6 lật đổ chính quyền dân cử của Mohammed Mossadegh. Trước đó, Iran quốc hữu hóa công nghiệp dầu mỏ bằng bỏ phiếu công khai tại Quốc hội, chấm dứt sự độc quyền khai thác dầu của Anh tại Iran.

Để trả đũa, quân Anh phong tỏa đường biển và cấm vận kinh tế quốc tế. Sau khi tổng thống Eisenhower lên nắm quyền năm 1953, CIA đồng ý với yêu cầu can thiệp của Anh. Một số hoạt động đảo chính ban đầu thất bại khiến vua Shah và gia đình phải trốn sang Italy, CIA chi hàng triệu USD để mua chuộc các quan chức và trả cho các băng đảng để gây bạo loạn trên đường phố Tehran. Mossadegh cuối cùng cũng bị lật đổ và vua Shah trở về nắm quyền. Với sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Anh và Mỹ, triều đình Shah trao cho phương Tây các ngành công nghiệp Iran và đàn áp phe đối lập trong tầng lớp tăng lữ Hồi giáo Shia và những người ủng hộ dân chủ. Chế độ của Shah bị nhân dân căm ghét: Quần chúng nhận thức rằng Shah chịu ảnh hưởng lớn - nếu không nói là con rối - của thế lực phi Hồi giáo phương Tây (Hoa Kỳ)[93][94], rằng văn hóa hưởng thụ Hoa Kỳ đang làm ô uế đất nước Iran; rằng chế độ của Shah quá thối nát,và ngông cuồng[95][96]. tất cả dẫn tới cuộc cách mạng Iran năm 1979.

Guatemala

Sau chiến dịch lật đổ một chính quyền ở Iran 1953, CIA tiến hành chiến dịch khác để lật đổ chính quyền dân cử của Jacobo ArbenzGuatemala năm 1954 do lo ngại về ảnh hưởng ngày càng lớn của phong trào cánh tả tại quốc gia này. CIA đã tuyển dụng và đào tạo một đơn vị lính đánh thuê nhỏ dưới sự chỉ huy của một người Guatemala lưu vong tên là Castillo Armas để chiếm đóng Guatemala, với 30 máy bay Mỹ không mang phù hiệu để hỗ trợ đường không. Đại sứ Mỹ Peurifoy chuẩn bị danh sách những người Guatemala cần xử tử, Armas được chỉ định làm tổng thống. Cuộc đảo chính này đã nhận được nhiều phản ứng tiêu cực, kể cả từ các đồng minh của Mỹ. Guatemala sau đó đã xảy ra cuộc nội chiến kéo dài 40 năm, có ít nhất 200.000 người đã bị giết, phần lớn là thường dân. Đỉnh điểm của cuộc chiến là chiến dịch diệt chủng ở Ixil của tổng thống Rios Montt, ông ta bị tuyên án tù chung thân vào năm 2013 vì vụ diệt chủng đó nhưng sau đó Tòa án Tối cao Guatemala đã vô hiệu hóa bản án về mặt kỹ thuật.

Tài liệu giải mật của CIA cho thấy chính quyền Ronald Reagan đã được cảnh báo về các hoạt động diệt chủng của lực lượng quân sự Guatemala khi chấp thuận viện trợ quân sự cho quân đội này vào năm 1981, bao gồm các xe quân sự, linh kiện máy bay trực thăng và cố vấn quân sự.

Nam Tư

Năm 1999, để củng cố cho sự li khai của Kosovo, Mỹ và NATO đã huy động liên quân 13 nước, mở cuộc không kích 78 ngày đêm tấn công Cộng hòa Liên bang Nam Tư. Cuộc chiến tranh Kosovo đã dẫn tới sự tan rã và chia cắt của Cộng hòa Liên Bang Nam Tư[97].

Iraq

Vào năm 1958, sau khi vương triều phong kiến do Anh hậu thuẫn bị tướng Abdul Qasim lật đổ, CIA đã thuê người thanh niên Iraq 22 tuổi có tên Saddam Hussein để ám sát vị tổng thống mới. Hussein thất bại và phải trốn sang Lebanon, CIA thuê cho ông ta một căn hộ ở Beirut và sau đó chuyển ông ta tới Cairo làm việc cho cơ quan tình báo Ai Cập.

Qasim bị giết trong cuộc đảo chính của những người theo đảng Baath do CIA hậu thuẫn, giống như ở Guatemala và Indonesia, CIA đưa cho chính phủ mới danh sách gồm ít nhất 4.000 đảng viên Cộng sản cần thủ tiêu. Nhưng khi đã nắm được quyền lực thì chính phủ của đảng Baath không cam chịu bị chi phối bởi phương Tây, họ quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ của Iraq, áp dụng chính sách ngoại giao Arab, xây dựng hệ thống giáo dục và y tế tốt nhất trong thế giới Arab.

Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell giơ ra chiếc lọ chứa thứ mà ông gọi là vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq tại trụ sở Liên Hợp quốc ngày 5/2/2003, tạo cớ cho Hoa Kỳ tấn công Iraq sau đó 1 tháng. Thực ra, đây chỉ là một thứ bột vô hại

Năm 1979, Hussein trở thành tổng thống, ông tiếp tục các cải cách xã hội và trấn áp các đối thủ chính trị của đảng Baath. Được Mỹ và cả Liên Xô cổ vũ, ông ta tiến hành chiến tranh chống Iran. Trong cuộc chiến này, quân đội Iraq đã rất nhiều lần thực hiện các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, trong đó có cả những vụ tấn công nhằm vào dân thường, chẳng hạn như ở thị trấn Sardasht [98]. Hầu hết những cuộc tấn công này đều được tiến hành theo mệnh lệnh của Saddam. Tuy vậy cả Mỹ và Liên Xô đều không có phản ứng gì đối với những cáo buộc về việc quân đội Iraq sử dụng vũ khí hóa học.

Sau khi Iraq xâm lược Kuwait, một quốc gia đồng minh của phương Tây ở Trung Đông vào năm 1991 thì Mỹ đổi lập trường từ ủng hộ chuyển sang chống lại Hussein với cáo buộc ông ta là nhà độc tài và lật đổ ông ta sau khi Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003 với cáo buộc Iraq sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt (những vũ khí này đã không thể được tìm thấy sau đó do Hussein đã phá hủy hầu hết kho vũ khí hủy diệt hàng loạt vào năm 1998) [99].

Năm 2015, Thủ tướng Anh Tony Blair trong cuộc phỏng vấn với CNN đã thừa nhận các báo cáo về việc sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq là sai sự thật. Tuy nhiên ông này tỏ ra không hề tiếc nuối khi đã đem quân lật đổ Saddam, và cho rằng Saddam "là một nhà độc tài tàn bạo, kẻ đã gây nên cái chết của khoảng 250.000 người"[100]. George W. Bush cho biết mình cảm thấy "thất vọng" về thông tin tình báo bị sai lệch, nhưng ông cũng cho rằng việc lật đổ Saddam là điều cần thiết: "Tôi hoàn toàn nhận thức được rằng cơ quan tình báo CIA đã sai, và tôi cũng thất vọng như mọi người. Nhưng những điều không thể phủ nhận được là Saddam Hussein đã từng xâm lược một đất nước, ông ta đã từng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, ông ta có khả năng sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt, ông ta bắn vào phi công của chúng ta. Ông ta là một nhà tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Tiêu diệt Saddam Hussein là điều đúng đắn cho nền hòa bình thế giới và an ninh của đất nước chúng ta" [101].

Người dân Iraq chào đón lính Mỹ tiến quân vào Baghdad để lật đổ Hussein

Khi Hussein bị lật đổ, nhiều người dân Iraq đã đổ ra đường ăn mừng và còn cùng nhau kéo sập bức tượng khổng lồ của ông ta [102] Khi Saddam Hussein bị treo cổ, nhiều kẻ thù của Saddam đã nổ súng chào mừng. Năm 2006, một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy 52% số người Iraq được hỏi tin rằng đất nước Iraq đang đi đúng hướng và 61% cho rằng việc lật đổ Saddam Hussein là một điều đúng đắn [103].

Tuy nhiên, sự hỗn loạn kể từ sau cuộc chiến Iraq, những xung đột sắc tộc kéo dài đã khiến nhiều người Iraq phản đối Saddam xem xét lại quan điểm của họ về cái gọi là "sự tàn nhẫn" nhưng giúp duy trì một xã hội ổn định suốt 35 năm nắm quyền của Saddam. Hiện nay, ngày càng nhiều người Iraq tỏ ý tiếc nuối về sự ra đi của Saddam và nhìn lại kỷ nguyên của ông này với sự luyến tiếc. Ngày càng nhiều người Iraq tới thăm mộ ông để tỏ lòng kính trọng ông, nhiều người đã coi ông là một chiến sĩ "Tử vì đạo"[104]

Sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, Iraq hoàn toàn thiếu vắng một nhà lãnh đạo cứng rắn và biết đoàn kết các bộ tộc, chính phủ thân Mỹ thì tham nhũng trong khi lính Mỹ hiện diện khắp nơi khiến người dân nước này rất bất mãn. Do vậy, các mâu thuẫn ngày càng tích tụ và âm mưu ly khai của các nhóm sắc tộc ở Iraq nhanh chóng bùng phát. Các phe phái địa phương ở Iraq nổi loạn khắp nơi. Đất nước Iraq chìm trong chiến tranh suốt từ nằm 2003 tới nay. Tính tới năm 2018, đã có khoảng 600.000 người Iraq thiệt mạng và hàng triệu người khác phải ly tán trong 15 năm chiến tranh tại quốc gia này[105]

Theo ý kiến của Phó Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Bình, Saddam Hussein là người rất ủng hộ phong trào giành độc lập ở châu Á, châu Phi khỏi ách cai trị của thực dân phương Tây. Ông có thái độ giao tiếp thân mật, gần gũi chứ không hung hăng như truyền thông phương Tây thường mô tả, và lý do để Mỹ-Anh tấn công Iraq thực chất chỉ là "những lời nói dối xấu xa". Bà này cũng nhắc tới việc Saddam từng ủng hộ to lớn cho Việt Nam trong giai đoạn nước này còn gặp rất nhiều khó khăn[106]:

Chuyến đi Iraq năm 1975 để lại cho tôi một kỷ niệm sâu sắc. Lúc đó, Saddam Hussein mới là Phó Tổng thống, nhưng được dư luận coi là "người hùng" ở Iraq. Khi nghe chúng tôi trình bày yêu cầu bức xúc của Việt Nam, ông trả lời ngay: "Chúng tôi đã quyết định tặng Việt Nam 400 ngàn tấn dầu và cho vay 1,5 triệu tấn với lãi suất ưu đãi". Chúng tôi rất xúc động trước tấm lòng của các bạn Iraq. Sau này khi Iraq bị cấm vận, phải đổi dầu để lấy lương thực, các bạn vẫn dành cho Việt Nam những hợp đồng trao đổi thương mại rất thuận lợi trong lúc chúng ta còn nhiều khó khăn về kinh tế.Năm 2002, tôi đến Iraq lần cuối để giải quyết món nợ kéo dài hơn 20 năm còn chưa trả xong. Theo ý kiến của các đồng chí ở Chính phủ, chúng ta đề nghị chuyển số tiền nợ thành số vốn đầu tư vào một dự án kinh tế ở Việt Nam. Khi tôi gặp ông Saddam Hussein trình bày ý kiến này thì ông cười, nói ngay: "Các bạn Việt Nam không nên bận tâm. Tôi biết các bạn còn khó khăn, ta xem như số nợ này đã trả." Thật xúc động khi biết rằng trong thời điểm đó Iraq bị Mỹ cấm vận, khó khăn chồng chất về các mặt.Tình hình Iraq đến nay diễn biến ra sao, chúng ta đều biết. Tổng thống Hoa Kỳ G. Bush phát động chiến tranh đánh Iraq với lý do Saddam Hussein có quan hệ với lực lượng khủng bố Al-Queda và tàng trữ vũ khí hủy diệt. Thực tế đã chứng minh đó là những lời nói dối xấu xa, những cái cớ giả mạo Hoa Kỳ đã dựng lên để thực hiện mưu đồ ích kỷ của họ. Saddam Hussein có sai lầm gì trong đối nội, đối ngoại, có tội lỗi gì với nhân dân của ông, lịch sử của Iraq sẽ phán xét. Nhưng đối với Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta biết ơn sự giúp đỡ quý báu của ông trong những năm Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh".

Những người phản đối cho rằng hành động can thiệp quân sự của Mỹ thực chất là 1 cuộc chiến vì dầu mỏ, trong đó Mỹ-Anh muốn dựng lên 1 chính phủ thân phương Tây để mở cửa cho các công ty Mỹ và Anh vào khai thác nguồn tài nguyên dầu khí phong phú của Iraq. Dù không tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt, cũng không có người Mỹ-Anh nào phải chịu trách nhiệm hay bị “xử lý” vì những thông tin sai và vô căn cứ cả, tất cả đều "vô can". Những quan điểm này cho rằng: Chủ quyền của Iraq đã bị xâm phạm, Tổng thống nước này bị lật đổ và xử tử, còn người dân Iraq thì phải hứng chịu bao khổ đau do chiến tranh gây ra.[107]. Những ý kiến phản đối này cũng cho rằng việc Mỹ đem quân lật đổ chính quyền Saddam Hussein là hành vi xâm lược mang tính chất của chủ nghĩa đế quốc.

Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant

Theo Global Research, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), Edward Snowden, đã tiết lộ rằng tình báo Anh, tình báo Mỹ và tình báo Israel (Mossad) đã làm việc với nhau để tạo ra ISIL. Các tài liệu mật bị rò rỉ tiết lộ rằng nhà lãnh đạo ISIL, giáo sĩ Abu Bakr Al-Baghdadi, đã được huấn luyện quân sự trong suốt một năm dưới sự đào tạo của Mossad, bên cạnh các khóa học về thần học và nghệ thuật phát biểu[108][109][110][111]. Người đứng đầu Viện nghiên cứu vì hòa bình và thịnh vượng Ron Paul, ông Daniel McAdams giải thích rằng: "Thực ra, "phe ôn hòa" (trong cuộc nội chiến Syria) đã được trợ giúp bởi người Mỹ từ lâu, họ đã chiến đấu bên cạnh những người có liên hệ với Al-Qaeda, và sau này là với những chiến binh của ISIS."[112]

Lãnh tụ tối cao Iran, Ali Khamenei cáo buộc rằng Mỹ, Israel và Anh đứng đằng sau tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant tự xưng; ông cho rằng các nước này đã tạo ra Al-Qaeda và Da'esh (tức ISIL) nhằm tạo ra sự chia rẽ và sử dụng chúng trong cuộc chiến chống lại các nước Hồi giáo, nhưng rốt cục các tổ chức này lại quay sang chống lại Mỹ[113].

Việt Nam

Những ý kiến ủng hộ

Mặc dù bị nhiều người chỉ trích, tuy nhiên chủ nghĩa đế quốc Mỹ cũng nhận được những ý kiến ủng hộ. Sử gia William Appleman Williams cho rằng chủ nghĩa đế quốc Mỹ đem lại "tinh thần về công lý, thịnh vượng và an ninh"[114]. Max Boot bênh vực chủ nghĩa đế quốc Mỹ với lý do rằng: "chủ nghĩa đế quốc Mỹ là lực lượng hiệu quả nhất thế kỷ qua. Nó đã đánh bại cộng sản và phát xít, và đã can thiệp để đánh bại chế độ diệt chủng Taliban và Serbia[115]". Bản thân Boot cũng thừa nhận điều này, cho rằng nó đã "khởi phát từ 1803"[116][117]. Sử gia người Anh Niall Ferguson cho rằng những gì tích cực mà người Mỹ làm nhiều hơn những điều tiêu cực họ để lại[118][cần số trang]. Theo Victor David Hanson, Hoa Kỳ "không có ý định bá quyền mà xây dựng một hệ thống có lợi cho tất cả các bên"[119]. Ngay bản thân thủ lĩnh độc lập Philippines Emilio Aguinaldo cũng công nhận dù Hoa Kỳ đã để lại sự tàn phá tan hoang ở Philippines, nhưng họ cũng gián tiếp giúp người Philippines thoát khỏi sự cai trị của thực dân Tây Ban Nha[120]. Có người cho là là chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ dù cũng theo đuổi sự bá quyền, song chỉ là tạm thời. Sử gia Samuel Flagg Bemis cho rằng Chiến tranh Tây Ban Nha–Mỹ chỉ là chủ nghĩa bành trướng tạm thời, là "một dấu mốc lịch sử Hoa Kỳ", không giống như sự bành trướng lãnh thổ thế kỷ 19 của Hoa Kỳ[121]. Những người ôn hoà quốc tế cho rằng Hoa Kỳ, dù đang thống trị ảnh hưởng quốc tế, nhưng không phải là một đế chế theo cách hiểu của thế kỷ 19, và được học giả John Ikenberry nhìn nhận tương tự[122]. Joseph Nye cho rằng Hoa Kỳ tìm cách xây dựng một đế chế văn hóa hơn là chính trị, quân sự bởi ảnh hưởng văn hóa như âm nhạc, phim ảnh, kinh tế, cũng như sự di cư liên tục vào Hoa Kỳ trong những năm qua[123]. Nhưng rất khó để biết chắc chắn liệu Hoa Kỳ sẽ vẫn duy trì uy thế của nó mà không có ưu thế quân sự và kinh tế.

Liên Xô

Chủ nghĩa Đế quốc Xô viết được sử dụng bởi những người đối lập chỉ trích Liên Xô và những người thuộc các dân tộc thiểu số theo tư tưởng ly khai ở Liên Xô để nhắc về chính sách chính trị của nhà nước này trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh[124]. Nhiều người chỉ trích Liên Xô về sự can thiệp vào chính trị nội bộ của những quốc gia độc lập có chủ quyền, song bị chi phối và bị ảnh hưởng bởi Liên Xô thuộc Khối Warszawa cũng như tại các nơi khác như Afghanistan, bao gồm Sự kiện năm 1956 ở HungaryMùa xuân Praha, các nhà nước đó thường được coi là các quốc gia vệ tinh (một số người còn coi đó là các nhà nước chư hầu) của Liên Xô. Cũng như Mỹ, Anh hoặc Pháp, Liên Xô duy trì một hệ thống căn cứ quân sự ở nước ngoài để bảo vệ lãnh thổ và ảnh hưởng của mình.

Mặc dù Liên Xô coi mình là thế lực phi đế quốc và là một nhà nước dân chủ nhân dân, những nhóm chỉ trích chính quyền Liên Xô lại cáo buộc nó là một nhà nước theo chủ nghĩa đế quốc trá hình[125] Do sự giống nhau về lãnh thổ với Đế quốc Nga trước đây, các nhóm sắc tộc theo chủ nghĩa ly khai ở Nga coi Liên Xô là nhà nước kế vị của Đế quốc Nga với tham vọng tiếp tục bành trướng lãnh thổ cho dân tộc Nga[126][127]. Một số thậm chí cáo buộc Liên Xô chỉ là một nhà nước đế quốc thực dân kiểu cũ[128], trong khi những người theo chủ nghĩa Mao cáo buộc Liên Xô thực chất là một đế chế trá hình trong hình thức quốc gia xã hội chủ nghĩa. Một vấn đề nữa là văn hóa, như ý đồ Nga hóa và Xô viết hóa hệ thống chính trị, giáo dục và xã hội ở các nước khác[129].

Nhà nước Liên Xô được nhìn nhận là một nhà nước tập quyền. Trung tâm của nó, Nga, cũng không hoàn toàn là một nhà nước thuộc địa do sự phân tầng kinh tế khác nhau đa dạng cũng như những đặc điểm kinh tế giữa các vùng trong khu vực cũng được xem xét kỹ lưỡng, chẳng hạn như những hành động khai thác tài nguyên ở Ba Lancác nước Baltic hậu Chiến tranh thế giới thứ hai. Một đặc điểm rõ ràng là tư tưởng mở rộng sự ảnh hưởng của xã hội chủ nghĩa của Liên Xô bằng các khoản viện trợ quốc tế nhằm làm tăng ảnh hưởng tại các nước nhận viện trợ[130]. Các khoản viện trợ cho các nước nghèo làm hao mòn kinh tế và tài nguyên khiến Liên Xô cũng phải gánh hậu quả. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga, nước kế thừa Liên Xô, phải chịu nợ lên tới 103 tỷ dollar, trong khi chính họ đã cấp cho các nước khác những khoản vay hoặc viện trợ lên tới 140 tỷ dollar.

Ngược lại, những người ủng hộ Liên Xô bác bỏ những quan điểm này. Họ dẫn chứng rằng Liên Xô đã giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc ở Á – Phi – Mĩ Latinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, chống lại chủ nghĩa thực dân của các nước Châu Âu, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu của Mĩ và phương Tây, ủng hộ các phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Những năm 1960, trong cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc được Liên Xô ủng hộ, đã có khoảng 100 quốc gia giành được độc lập dân tộc, một số nước không ngừng ủng hộ mạnh mẽ phong trào Xã hội chủ nghĩa, chọn đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa với những mức độ khác nhau[131].

Khi các nước hậu thuộc địa đầu tiên bắt đầu giành được độc lập ở châu Phi, Trung Đông, châu Á và Mỹ Latinh, Liên Xô đã hỗ trợ vật chất to lớn đối với các quốc gia này. Ai Cập của Gamal Abdel Nasser, Indonesia của Sukarno, và Ấn Độ của Jawaharlal Nehru đều được hưởng lợi từ chính sách này. Đến năm 1965, viện trợ của Liên Xô cho các nước mới giành độc lập đã vượt qua 9 tỷ USD, gồm cả hỗ trợ kinh tế lẫn quân sự. Dù không trở thành một phần của hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhà máy thép đầu tiên của Ấn Độ đã được xây dựng như là quà tặng của Liên Xô. Người Việt Nam đã đánh bại thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ nhờ khoản viện trợ vũ khí từ Liên Xô. Khi Vương quốc Anh, PhápIsrael xâm lược Ai Cập vào năm 1956, Liên Xô đã hỗ trợ nước này đẩy lui các thế lực thực dân cũ. Nhiều nước châu Phi và Mỹ La tinh cũng được hỗ trợ tương tự. Hàng triệu sinh viên từ các nước nghèo được Liên Xô giáo dục miễn phí về kỹ thuật, nông nghiệp và các ngành khác. Sức mạnh của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa có thể coi là một cực tiến bộ trong hơn 70 năm, không chỉ chống lại các cuộc chiến tranh đế quốc mà còn là nguồn cảm hứng và cơ sở hậu thuẫn cho chủ nghĩa xã hội và phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh[132] Tại hội nghị ở Havana, Liên Minh các quốc gia châu Phi do Oliver Tambo dẫn đầu đã nhận xét về những lời chỉ trích Liên Xô từ các nước phương Tây: "Liên bang Xô viết, Cuba, nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã giúp cho nhiều đất nước ở đây tồn tại đến ngày hôm nay, trở thành các quốc gia độc lập. Đó là một "tội ác" chống lại các nước đế quốc (phương Tây). Chúng tôi hiểu điều đó"[132].

Trung Quốc

Sau khi nước Tần chinh phục sáu vương quốc khác và thiết lập quốc gia Trung Hoa thống nhất đầu tiên, Trung Quốc bước vào thời kỳ Đế quốc lâu dài nhất trong lịch sử thế giới, từ Tần trải dài đến Đại Thanh, Trung Quốc sở hữu công nghệ, nền văn minh kinh tế vượt trội hơn hẳn thế giới lúc bấy giờ. Là trung tâm văn hóa, chính trị quyền lực của khu vực Đông Á và có ảnh hưởng đối với các vùng đất, vương quốc xung quanh. Trung Quốc dưới các triều đại khác nhau đều khơi mào các cuộc chiến tranh xâm lược các nước khác (Điệ Vit, Triều Tiên, Nhật Bản,...), cho đến thời kỳ Đảng Cộng sản nắm quyền dù tiền sử là nạn nhân Chủ nghĩa Đế quốc Thực dân thế kỷ 19-20, nhưng xét thấy hiện tại Trung Quốc có các hành động, chiến lược thể hiện quyền lực, mở rộng tầm ảnh hưởng ra thế giới.

Tây Ban Nha

Vào thế kỷ thứ 15 và 16, đế chế Tây Ban Nha là quốc gia tiên phong cho phong trào thám hiểm thế giới và chủ nghĩa bành trướng thuộc địa của châu Âu cũng như tiên phong trong việc mở các lộ trình giao thương qua đại dương, với việc thông thương phát triển nở rộ qua Đại Tây Dương giữa Tây Ban Nha với Mỹ và qua Thái Bình Dương giữa Châu Á - Thái Bình dương với México qua Philippines. Những người Tây Ban Nha đi khai phá thuộc địa đã dùng vũ lực để tiêu diệt những nền văn minh bản địa như Aztec, Inca, Maya và tuyên bố chủ quyền với một dải đất bao la ở BắcNam Mỹ. Trong một khoảng thời gian, đế chế Tây Ban Nha thống trị các đại dương nhờ hạm đội tàu giàu kinh nghiệm, một sức mạnh bậc nhất toàn cầu, và họ thống trị những chiến trường ở châu Âu với một lực lượng bộ binh dày dạn và thiện chiến có tên là tercios. Tây Ban Nha trải qua thời kỳ vàng son về văn hóa trong thế kỷ 16 và 17. Tuy nhiên, đến thế kỷ 18-19, Tây Ban Nha suy yếu bởi sự nổi lên của Đế chế Anh, hầu hết các thuộc địa của họ ở Nam Mỹ đã vùng dậy giành độc lập.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chủ_nghĩa_đế_quốc http://www.sbs.com.au/news/article/2004/07/21/pino... http://www.globalresearch.ca/isis-leader-abu-bakr-... http://www.globalresearch.ca/us-has-killed-more-th... http://www.comisiontortura.cl/inicio/index.php http://www.accessmylibrary.com/coms2/summary_0286-... http://acsor-surveys.com/wp-content/uploads/2015/0... http://dostoevskiansmiles.blogspot.com/2008/10/nat... http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/the-gioi/10... http://www.economist.com/displaystory.cfm?story_id... //books.google.com/books?id=3BDH9FK6grMC&pg=PA170